lắng nghe nhịp sống lắng nghe nhịp sống
Image

Báo động về chất lượng báo cáo tài chính

Tính đến ngày 20/4, trong số 357 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn, có ít nhất 194 công ty có sự chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán, trong đó không ít DN có chênh lệch kết quả kinh doanh rất lớn (trên 10%).

Đây là con số thống kê do stox.vn thực hiện, cho thấy tình trạng báo động về chất lượng báo cáo tài chính chưa kiểm toán. Việc chênh lệch một vài trăm triệu đồng, thậm chí là vài tỷ đồng… giữa doanh thu, lợi nhuận trước và sau kiểm toán là bình thường, vì có thể có những sai sót nhỏ trong cách tính toán, phân loại một số khoản thu, chi của doanh nghiệp và công ty kiểm toán. Nhưng thật khó hiểu với những khoản chênh lệch rất lớn, thậm chí thay đổi hoàn toàn cán cân lỗ - lãi tại một số nơi.


Tỷ phú George Soros, ông chủ của Soros Fund Management, quỹ đầu cơ danh tiếng thế giới.
Ảnh: AP

Ấn tượng nhất vừa qua là chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán của 2 doanh nghiệp thuộc họ nhà Kinh Đô là KDC và NKD. Với chênh lệch 202,978 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trước và sau kiểm toán, từ lãi 142,376 tỷ đồng về lỗ 60,602 tỷ đồng, KDC đang là doanh nghiệp xếp số một về khoảng cách chênh lệch lợi nhuận. Một người anh em của KDC là NKD cũng có mức chênh lệch lợi nhuận sau thuế trước và sau kiểm toán hơn 38 tỷ đồng, từ mức lãi hơn 39 tỷ đồng còn chưa đầy 1 tỷ đồng. Một doanh nghiệp rất lớn và uy tín như Sacombank cũng để mức chênh lệch lợi nhuận trước thuế trước và sau kiểm toán lên tới 133 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp ngành xây dựng là Công ty Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) và Công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) cũng có chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau khá lớn. Với NTL, doanh thu trước và sau kiểm toán giảm 64,195 tỷ đồng, từ mức 435,502 tỷ đồng về 371,307 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập DN cũng giảm từ 98,729 tỷ đồng về 61,812 tỷ đồng. Trường hợp của SJS, lợi nhuận năm 2008 của Công ty trong báo cáo tài chính giảm từ 175,122 tỷ đồng trước kiểm toán về 118,884 tỷ đồng sau kiểm toán.

Trong các doanh nghiệp có chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán lớn, một số công ty không chỉ chênh lệch về số tuyệt đối lớn mà còn nắm giữ tỷ lệ chênh lệch ở mức choáng váng. Trường hợp của Công ty Nam Vang (NVC), có chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán lên đến… 8.500%, từ lãi 0,529 tỷ đồng về lỗ 44,423 tỷ đồng. Hay trường hợp của Công ty Thủy sản Minh Phú (MPC), chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán là 1.043,94%, từ lãi 4,036 tỷ đồng về lỗ 38,097 tỷ đồng.

Theo thống kê của stox.vn, có tới 47 doanh nghiệp có chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán lên tới trên 50%. Nhiều công ty vốn đã lỗ, sau kiểm toán còn bị lỗ nặng hơn rất nhiều, như FPC từ lỗ 44,4 tỷ đồng về lỗ 83,2 tỷ đồng; TPC từ lỗ 51 tỷ đồng về lỗ 61,6 tỷ đồng.

Lần giở toàn bộ giải trình của những doanh nghiệp niêm yết đã có công văn được HOSE và HASTC công bố về chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán, nguyên nhân được ghi nhận khá đa dạng. Như trường hợp của Sacombank, ngân hàng này giải thích, khoản chênh lệch 133 tỷ đồng chủ yếu do cách tính trích lập khác nhau giữa ngân hàng và công ty kiểm toán đối với các loại cổ phiếu chưa niêm yết. Với trường hợp của KDC và NKD, nguyên nhân lại do trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán, doanh nghiệp chưa thực hiện trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn.

Với trường hợp của NTL, nguyên nhân được công ty này giải trình là do chênh lệch doanh thu, chi phí, lợi nhuận của các khoản mục khác nhau, đặc biệt liên quan đến dự án Trạm Trôi. Tuy nhiên, bản chất tạo nên sự khác biệt là như thế nào thì chưa được giải thích. Một số trường hợp khác, việc chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán do một số nguyên nhân như: cách tính các khoản phải thu/chi nội bộ, hạch toán chênh lệch tỷ giá.

Hai lý do phổ biến dẫn đến chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán là cách ghi nhận doanh thu/chi phí đối với các doanh nghiệp ngành bất động sản và cách trích lập dự phòng đầu tư tài chính, đặc biệt là với các khoản đầu tư dài hạn cho những công ty có đầu tư tài chính.

Thời hạn để một doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý IV là 25 ngày kể từ ngày kết thúc quý và thời hạn để công bố báo cáo năm đã kiểm toán là 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Như vậy, trong khoảng thời gian 75 ngày giữa 2 kỳ báo cáo, không ít nhà đầu tư ra quyết định sai lầm theo những thông tin mà doanh nghiệp công bố.

Bên cạnh những doanh nghiệp có giải trình về chênh lệch tài chính trước và sau kiểm toán thì vẫn còn nhiều công ty chưa có động tĩnh gì. Hiện cả hai sàn mới có khoảng 37 doanh nghiệp có giải trình, trong đó nhiều giải trình chỉ viết rằng, lợi nhuận tăng/giảm ở chỗ này, chỗ kia mà không giải thích tại sao, theo cách tính nào đã làm nên chênh lệch. Nhiều nhà đầu tư đã thắc mắc, có hay không sự cố tình hạch toán thiếu chính xác tại những công ty có chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán quá lớn.

(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã ghé coletuan.blogspot.com
- Bạn có ý kiến,góp ý hay bình luận gì vui lòng điền vào khung dưới đây và bấm vào "Đăng nhận xét", không cần đăng ký tài khoản vẫn có thể nhận xét được ( ở ô "Nhận xét với tư cách" bên dưới bạn chọn là "Ẩn danh" )
- Bạn có thể dùng các ký hiệu vui của yahoo để hiển thị biểu tượng cảm xúc trong nhận xét bằng cách gõ các ký hiệu :)) ;)) :(( .v.v.......

Nhận tin qua email của bạn

Nhập địa chỉ email của bạn:

 Subscribe in a reader