Tôi thật sự sốc khi gặp Thành, mặc dù đã được các cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng kể qua hoàn cảnh của em trước đó. Khó có thể tin cậu bé ốm teo, đen nhẻm, thấp bé này lại liều lĩnh đến vậy. Đến lần thứ 3 quay lại gặp em và hỏi đi hỏi lại, tôi mới tin những gì em kể là sự thật.
Ám ảnh đòn roi
“Con ở một mình buồn lắm, nhớ mẹ nữa, nên con đi tìm...”, đôi mắt trong veo của Thành ngân ngấn nước khi ký ức tuổi thơ đã tạm lắng, bỗng chốc trở về nguyên vẹn.
Thành, đáng lẽ đã có cuộc sống hạnh phúc như bao đứa bạn khác ở Sơn An (Hương Sơn, Hà Tĩnh), nếu không có sự xuất hiện của rượu, thứ bắt đầu xuất hiện trong những cuộc nhậu lai rai của người bố. Về sau, nó càng gắn với bố Thành như hình với bóng, khiến ông ngày càng bệ rạc. Người mẹ cuối cùng đã chọn cách ly dị, đành đoạn bỏ con, tha phương làm ăn.
Cũng từ đó, tuổi thơ của Thành gắn liền với những trận đòn mỗi khi con ma men trong người bố trỗi dậy. Thành kể: “Lúc không có rượu, bố thương cháu lắm. Bố bắt ốc dành dụm tiền mua xe đạp cũ cho cháu”. Nhưng khi đã có chút cay, ông lại trút hết nỗi bực dọc, chán chường vào con trai bằng những trận đòn roi. Vết sẹo chạy dài ngang mũi cậu bé là hậu quả của một lần không làm chủ được mình, bố Thành đã dùng dao chém con. Hôm đó là buổi trưa, Thành đang ngủ thì bố đi nhậu về. Thấy Thành, ông chửi rủa rồi rút con dao để trên đầu giường chém con. Thành chạy thoát ra đường và được hàng xóm đưa đi cấp cứu. “Sau lần đó, mọi người khuyên, bố cháu bỏ rượu. Cháu mừng lắm”, Thành bùi ngùi nhớ. Nhưng được chừng 1 tháng, ông lại quay về con đường cũ.
Thời gian đến trường của Thành cũng đứt đoạn theo những trận đòn của bố. Toàn bộ tài sản trong nhà cũng đã đội nón ra đi theo các bữa rượu. Sợ cha bán luôn chiếc xe đã mua lúc trước, Thành đã vội gửi nó qua nhà một người quen, chấp nhận đi bộ đến trường. Lên lớp 5, Thành nghỉ hẳn vì bố không có tiền nộp học. Hằng ngày, em thức khuya dậy sớm nấu cám cho lợn, rồi đi mò cua bắt ốc.
Mồ côi cha
Một buổi sáng, như mọi ngày Thành dậy nấu cơm để bố ăn, trước khi đi bắt ốc. Mâm cơm chỉ có gạo và lạc rang được dọn sẵn. Thành lên gọi bố thì mới hay người ông đã cứng lại, lạnh ngắt. Ông đã chết tự lúc nào không hay. Cả ngày hôm trước, ông cùng bạn bè túy lúy bên mâm thịt chó, mãi tối mới về nhà ngủ rồi vĩnh viễn ra đi, để lại Thành côi cút một mình. Lúc ấy, Thành vừa qua tuổi 11.
Ông bà ngoại, nội đều đã qua đời, cái nghèo khiến những người bà con còn lại quay lưng với Thành. Một mình sống trong căn nhà nhỏ trống trải, cậu bé không còn nhớ đã bao nhiêu lần ngồi khóc, ước có bố mẹ ở bên. Gia tài duy nhất mà người cha nghiện rượu để lại cho Thành là kinh nghiệm mò cua bắt ốc, và nhờ nó cậu bé 11 tuổi có thể tự kiếm sống, nuôi mình qua ngày. Ở quê Thành, ốc bươu là đặc sản, rất được giá nhưng cũng rất khó kiếm. Vì thế mà hằng ngày, Thành dậy từ 3-4 giờ sáng đi bắt ốc. Khoảng 12 giờ trưa, mang về bán cho cô Liên gần nhà để kiếm tiền đi chợ, nấu ăn. Nhưng rồi ốc cũng đâu có để bắt mãi, dù đã chuyển địa điểm đi bắt ở xa hơn. Thành chuyển qua bắt lươn, con lớn thì đem bán, con nhỏ để lại ăn. Tối đến, mấy đứa bạn về nhà học bài, Thành cũng đem sách vở cũ ra học. Nghe tiếng ếch kêu, lại ra đồng bắt.
Một ngày, Thành bàng hoàng khi phát hiện con heo đất bị đập vụn vứt dưới gốc chuối; bên góc chuồng lợn, nơi giấu heo đất bị xới tung. “Con chẳng biết có bao nhiêu tiền trong đó nữa, cứ có là bỏ để dành thôi”, cậu bé kể lại kỷ niệm buồn. Thành khóc cạn nước mắt, buồn quá chẳng muốn đi bắt ốc nữa. Vài ngày sau nhà hết gạo, Thành đành đi hái trộm trái cây về ăn. Tự dưng, nỗi nhớ mẹ từ đâu ập về đến quay quắt. Thành ngồi khóc đến sưng cả mắt, khản cả cổ. Nhớ lời bà ngày trước bảo mẹ vào làm ăn ở Sài Gòn, ý nghĩ tìm mẹ vụt nảy ra trong đầu Thành...
Quyết định liều lĩnh
Đến bây giờ, có lẽ Thành vẫn không tưởng tượng được cuộc hành trình mà mình dự định lại xa đến vậy. Suốt chặng đường dài, Thành chỉ đi theo bản năng của một đứa con tìm mẹ.
“Làm sao con biết đường đi, nếu có đến nơi thì biết mẹ ở đâu mà tìm?”, tôi hỏi. “Lúc đi bắt ốc, con thấy xe chở khách vào TP.HCM, nên theo đường đó đi. Con cứ vào đó, hỏi mọi người, chắc là sẽ tìm được thôi!”, Thành trả lời hồn nhiên.
Lần đầu tiên Thành đi với thằng Thái, đứa bạn cùng làng cũng có mẹ đã vào TP.HCM. Thái ở với bố, suốt ngày bị đánh đòn. “Hai đứa lấy xe đạp thằng Thái, đi được mấy ngày thì vào đến Quảng Trị. Bỗng dưng thằng Thái đổi ý bỏ về, con đành cuốc bộ đi tiếp”, Thành kể. Đến một ga tàu mà Thành không nhớ tên, cậu được vợ chồng một chị tên Thảo thương tình cho ở lại 1 tuần, rồi gửi cậu vào Trung tâm trẻ mồ côi Huế. Ở đây được vài tháng, một buổi chiều Thành lại trốn ra ngoài để đi tìm mẹ. Lang thang một mình, cậu bị công an tạm giữ. Biết hoàn cảnh Thành, các chú công an cho ăn uống, rồi đón xe cho cậu về lại Hà Tĩnh.
Thành không nhớ chính xác mình bỏ quê ra đi bao lâu. Chỉ biết rằng, khi đập ổ khóa bước vào nhà, thấy mạng nhện chằng chịt, bụi đóng từng lớp trên đồ đạc. May là chiếc xe đạp giấu trên kệ ở trần nhà vẫn còn nguyên vẹn. Lại sống một mình, Thành tiếp tục công việc cũ để nuôi thân, nhưng ý định tìm mẹ vẫn luôn thôi thúc.
Một ngày, Thành lấy chiếc xe đạp xuống. Với 19.000 đồng trong túi, Thành lại đi tìm mẹ. Lúc ấy, cậu mới 13 tuổi.
Đổ đèo Hải Vân bằng xe đạp
Có lần, tôi hỏi Thành có xem chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly không, Thành bảo không biết chương trình này. “Chỉ có lần, con thấy trên tivi có chuyện một chú đi lạc, mấy chục năm sau tìm được gia đình. Giá mà con cũng tìm được mẹ như chú ấy, cô nhỉ!”, niềm khắc khoải của Thành làm người khác thắt lòng. Không biết ở đâu đó, mẹ Thành có biết chuyện này không? |
“Con mua bánh mì, còn 13 ngàn nhưng bị rớt mất, bánh mì cũng bị rớt xuống nước không ăn được, con chán lắm. Đi đến đâu con dừng lại xin ăn đến đó”, Thành kể lại hành trình đạp xe dọc miền Trung tìm mẹ. “Một mình đạp xe ngoài quốc lộ, nguy hiểm lắm, con không sợ à?”, “Con đi bên phải mà, họ không tông con đâu”, Thành hồn nhiên khẳng định. Đạp xe, mệt ở đâu thì dừng lại, xuống sông, suối ven đường tắm. Tối đến, bạ đâu ngủ đấy, có khi dựa vào cọc cây số ven đường, hôm thì ngủ trong quán nước vắng, có đêm nằm vật ra giữa bãi cỏ mà đánh giấc, “đến khoảng 3 giờ sáng, muỗi quá, con dậy đi tiếp”, Thành cười ngây thơ.
Thành nhớ rất rõ, đoạn đường từ quê vào Đà Nẵng phải qua 4 cái đèo, nhưng không nhớ tên. “Cái đèo đầu tiên (đèo Ngang - PV) ngoằn ngoèo lắm, con đạp lên một lúc mệt quá, ngồi nghỉ, rồi dắt bộ”, Thành nói. Đạp mỏi chân, đi nhiều ngày mà vẫn chưa thấy đến TP.HCM, nơi có mẹ. Một ngày Thành thấy trước mắt một dãy núi cao, hỏi một chú đứng trên cầu thì biết đó là đường vào Đà Nẵng. Muốn qua hầm thì phải bán xe đạp lấy tiền đi xe khách. Không còn cách nào khác, Thành liều lĩnh... vượt đèo. “Dắt bộ lên đèo, lúc xuống một góc cua thì bị đổ xe, con mệt quá, lăn ra ngủ bên vệ đường, sát cái cống nước. Có 2 anh đi qua, gọi con dậy hỏi chuyện, cho 6 ngàn, bảo lên xe máy anh chở đi. Nhưng vì con có xe đạp nên không theo được, hai anh đó hỏi đi tiếp được không, con bảo được”, Thành nhớ lại. “Lúc đi lên cái dốc nữa, con thấy có một nhà sư đang ngồi ăn cái gì đó. Tự nhiên con thấy sợ, bỏ đi luôn. Bụng đói, con ngủ tiếp thì ông ấy đến gọi dậy, hỏi chuyện rồi rủ đi tiếp”. Hai người đi đến đỉnh đèo thì Thành được nhà sư xin cơm cho ăn, rồi hai thầy trò lên xe đạp cùng đổ đèo. Chỉ vào vết sẹo sát thái dương, Thành tiếp: “Đi xuống dốc, xe bị đứt phanh, té lăn quay. Con bị đập đầu xuống đường, mặt chảy máu. Chiếc xe đạp vành bị gãy, cong ngược lên”. Cố gắng xuống được đèo, nhà sư đưa Thành vào đồn công an nhờ giúp đỡ, rồi các chú chở Thành và xe đạp vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng. Hành trình đi tìm người mẹ tên Nguyễn Thị Hiền của Thành đành dừng lại ở đoạn đường dài hơn 500 cây số, qua gần 10 ngày đêm đạp xe ròng rã.
“Con chỉ cần mẹ!”
“Thành ngoan lắm. Điều băn khoăn nhất của chúng tôi là có học bạ để cháu học tiếp lớn 5. Năm ngoái, lúc cháu mới đến đây, chúng tôi đã có công văn gửi ra địa phương báo về trường hợp này rồi mà chẳng thấy hồi âm”, ông Nguyễn Quang Bi chép miệng thở dài. Bây giờ, Thành phải theo học lớp tình nguyện tại trung tâm. Nhìn Thành vui đùa hồn nhiên với bọn trẻ, khó ai có thể ngờ được cuộc sống lắm chông gai mà cậu bé từng trải qua. Ông Bi kể thêm, khi mới vào trung tâm được 1 tháng, Thành cùng hai đứa trẻ lại bỏ đi TP.HCM tìm mẹ. Cả 3 đứa trẻ con không đồng xu dính túi, đi bộ vào đến tận Vĩnh Điện (Quảng Nam). Cũng may là có người tìm ra, gửi lại trung tâm. Câu chuyện của ông Bi làm tôi nhớ đến những lời tâm sự của Thành hôm 27 Tết: “Con không ghét bố, vì bố là bố của con mà. Ước mơ của con là được ở với mẹ. Con chỉ cần mẹ chứ không cần gì cả. Bây giờ, con ở đây ngoan ngoãn, lớn lên 18 tuổi, con sẽ đi kiếm mẹ, con sẽ đi làm kiếm tiền nuôi mẹ”...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã ghé coletuan.blogspot.com
- Bạn có ý kiến,góp ý hay bình luận gì vui lòng điền vào khung dưới đây và bấm vào "Đăng nhận xét", không cần đăng ký tài khoản vẫn có thể nhận xét được ( ở ô "Nhận xét với tư cách" bên dưới bạn chọn là "Ẩn danh" )
- Bạn có thể dùng các ký hiệu vui của yahoo để hiển thị biểu tượng cảm xúc trong nhận xét bằng cách gõ các ký hiệu :)) ;)) :(( .v.v.......