Một cô bé từ TP.HCM ra Hà Nội, sau vài ngày rong chơi, chiều tối ngày 22/11 đã tung lên blog của mình đầy những lời chê bai Hà Nội làm muối mặt cư dân Hà Thành. Thế là một trận "mạng chiến" bùng nổ.
Chỉ vài giờ đồng hồ sau, blog của cô bé Sài thành này nhận đến 8231 comment (phản hồi) và chỉ trong nửa giờ từ khi blog được tung lên, có đến 17.400 người vào xem blog. (Chỉ cần search Google cụm từ "Bé Crys" là có thể tìm thấy Blog Yahoo 360 của cô bé này.)
Mặc dù cô bé đã "đóng cửa" blog của mình để "chạy trốn", nhưng vẫn không tránh khỏi luồng phản ứng trên mạng mà ngay cả trước khi viết, cô bé cũng không ngờ lại bị "đánh" dữ vậy. Tung tích của cô bé đã được tìm ra, cùng số di động, điện thoại cố định và địa chỉ nhà. Tất cả được post lên mạng. Tại sao chỉ với một bài viết không đầy 500 từ mà lại gây phẫn nộ như thế?
Nguyên nhân của... cuộc chiến
Mở đầu bài viết của mình, cô bé không ngại ngần nói về bản thân: "Để hiểu sao tớ lại bực bội như vậy, mong các bạn thông cảm rằng về chủ quan, tớ đã là một con người kỳ thị". Và cô bé dẫn chứng cho cái sự "kỳ thị" của mình bằng những câu chuyện lượm lặt được trong những ngày sống ở Hà Thành.
"Ngày 1... Nhưng ở Hà Nội không ai hiểu cơm tấm là gì cả. Không có cơm tấm, thậm chí họ không biết cơm tấm là cái gì! Staff (nhân viên - cô bé rất hay dùng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt - mốt của một bộ phận giới trẻ ngày nay) ở khách sạn bảo rằng bây giờ người ta ăn cơm "tám" cơm làm từ gạo tên là "tám", gạo dẻo thơm ngon gì đấy. Tớ bảo, không, đó là cơm làm từ hạt tấm.... Thế là... "thời buổi này ai còn ăn cái thứ gạo chất lượng kém đó nữa, người ta chỉ ăn loại gạo dẻo thơm..."
"Ngày 2... Ngày kinh khủng với một tô phở nhạt thếch, không ai hiểu cái tương đen mình cần bỏ vào phở cho nó có mùi vị là cái khỉ gió gì, vậy là xem như bó tay rùi. Không phở, không cơm tấm, không bún riêu". Rất nhiều những điều vớ vẩn khác, kiểu như người Hà Nội không biết Mocha cà phê là gì, pạc sỉu là gì, wi-fi là gì... Và cô bé đi đến kết luận về Hà Nội: "Phố sá cũ kỹ, dơ bẩn, xấu xí. Được cái trong lành, ít khói bụi. Xe cộ thì hầu như là xe số, hiếm hoi mới kiếm được một chiếc tay ga. Dân HL (ý nói Hà Nội) chủ yếu chạy vespa thay cho Dylan, SH..."
Nhiều ý kiến phản ứng khác nhau về bài viết của cô bé, hầu hết đều là những lời lẽ dạy bảo, giải thích cho cô bé hiểu phong tục cũng như tập quán, thói quen của người Hà Nội, kiểu như "Nếu bạn khinh miệt như thế chứng tỏ bạn không hề có lòng tự hào dân tộc và đặc biệt là phản ánh sự mù tịt về văn hoá của bạn... Hà Nội có những nét riêng và Sài Gòn cũng vậy. Thật đáng buồn khi bạn là một công dân Việt Nam..."; Ngoài ra còn có vô số người bình luận những câu chửi bậy, tục, nhắm vào cô bé.
Trước khi blog của cô bé "đóng cửa", cư dân mạng đã kịp tải hình ảnh của cô bé - một cô bé còn rất trẻ, chừng 19-20 tuổi. Và trước khi "chạy trốn", cô bé còn để lại nhiều số điện thoại, "tố cáo" với mọi người rằng chủ nhân của những số điện thoại này chửi mình nặng nhất.
Blog bẩn "lẩn" blog sạch?
--------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phỏng vấn chủ nhân của Blog bị đe doạ
-Qua điện thoại, phóng viên đã liên lạc với cô bé Sài thành (nick name Bé Crys) trong bài viết:
* Tại sao em viết bài về Hà Nội như thế? Có phải em muốn blog của mình có nhiều người truy cập không?
- Em viết vì thời gian ở Hà Nội có nhiều điều bực mình, đặc biệt trong chuyện ăn uống. Em viết những gì em suy nghĩ và không quan tâm mọi người phản ứng thế nào.
*Em không quan tâm tới phản ứng của mọi người, vậy tại sao em đóng cửa blog và rút ảnh mình xuống?
- Vì em đã nhận được rất nhiều lời lăng mạ, chửi bới qua điện thoại và tin nhắn, thậm chí có người điện thoại đe doạ "Nếu mày chường mặt ra tao sẽ đâm chết mày". Em làm vậy để bảo vệ mình thôi, vì bạn bè em bảo dân Hà Nội rất dữ dằn.
*Em có thể công khai tên của em không?
- Số điện thoại cố đinh, di động, địa chỉ nhà em đã bị đưa lên blog, ai cũng biết hết rồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Blog không chỉ được giới trẻ ưa chuộng và cũng không ưu tiên cho tầng lớp nào cả. Chưa có con số thống kê cụ thể nào cho biết ở Việt Nam có bao nhiêu người sử dụng blog, nhưng rõ ràng nó đang là diễn đàn "hot" nhất của cư dân mạng.
Cũng dễ hiểu vì sao một dạng "nhật ký mở trên mạng" như blog lại trở thành diễn đàn cạnh khoé, chửi bới và nói xấu nhau nhanh chóng đến như vậy, hơn là nơi để chia sẻ những gì cần cho nhau trong cuộc sống thường ngày. Một tay chơi blog "kinh điển" nhận xét rằng: "Cứ đà này hiện nay, blog sẽ mất hẳn ý nghĩa bởi có quá nhiều blog bẩn".
Trường hợp cô bé Sài thành kể trên là một ví dụ điển hình của những blog bẩn, blog tiêu cực viết ra để chỉ trích (nhưng không đúng vì có cái nhìn phiến diện, không hiểu biết).
Những blogger bẩn nên học hỏi blog của anh Tây được mệnh danh viết blog tiếng Việt "hay kinh điển", Joe, người Canada. Với những bài viết dí dỏm về cuộc sống tại Việt Nam, blog của Joe đã thu hút một số lượng lớn người xem. Nói như vậy để thấy, trong khi người nước ngoài có những suy nghĩ rất tốt đẹp về Việt Nam thì một bộ phận công dân Việt Nam lại có cái nhìn ngược lại.
Bẩn tới đâu?
Đối với dân chơi blog, số lượng người comment và người vào xem nhiều hay ít có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì đó chính là động lực để người viết blog tiếp tục nuôi sống "nhật ký mở" của mình và khẳng định được mình với dân cư mạng rằng blog của tớ là hấp dẫn như thế đấy!.
Trở lại với blog của cô bé Sài thành kể trên, chúng ta có thể thấy rằng, trong một ý nghĩ nào, cô bé muốn tìm "nguồn sống" cho blog của mình bằng ngay một cái tựa rất gây sốc và nội dung đầy những lời kỳ thị. Và cô bé đã được thoả mãn với số lượng người xem và bình luận rất đông (con số đáng mơ ước của nhiều blogger), nhưng lại trả giá đắt khi phải "đóng cửa" blog, đồng thời hứng chịu những lời đe doạ từ các blogger quá khích.
Blog bẩn phản ánh một "cái nhìn bẩn", một "lối suy nghĩ bẩn" của một bộ phận giới trẻ thế hệ 8X hay 9X không ý thức được bản thân. Nhiều bạn trẻ biện hộ "Blog là nơi có thể nói ra tất cả, những suy nghĩ của mình". Dĩ nhiên, không ai có thể "cấm" các bạn giãi bày những cảm xúc, nhưng tất cả các cảm xúc đều phải được giới hạn trong một chừng mực văn hoá. Không ai có thể quản lý nội dung của blog, mà chỉ trông mong vào ý thức tự giá của mỗi blogger mà thôi.
(Theo Thể thao & Văn hoá)
1 nhận xét:
Cao tay that :D
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã ghé coletuan.blogspot.com
- Bạn có ý kiến,góp ý hay bình luận gì vui lòng điền vào khung dưới đây và bấm vào "Đăng nhận xét", không cần đăng ký tài khoản vẫn có thể nhận xét được ( ở ô "Nhận xét với tư cách" bên dưới bạn chọn là "Ẩn danh" )
- Bạn có thể dùng các ký hiệu vui của yahoo để hiển thị biểu tượng cảm xúc trong nhận xét bằng cách gõ các ký hiệu :)) ;)) :(( .v.v.......